Kỹ thuật trồng cây - Bạn cần biết

Kỹ thuật trồng cây - Bạn cần biết


  Cây xanh thành phố có thể được trồng theo nhiều phương pháp khác nhau tùy theo kích thước của vật liệu trồng và khả năng đầu tư trồng cây. Phương pháp trồng cây đánh thành bầu lớn là phương pháp phổ biến nhất để trồng cây trong thành phố. Bầu đất có thể là bầu đất trần hay được bó lại bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như plastic, vải… Phương pháp trồng cây rễ trần đạt kết qủa nếu rễ cây được sử lý bằng các kĩ thuật như hồ rễ, giâm rễ, tẩm các chất kích thích ra rễ… Ngoài ra còn cần chọn đúng thời vụ trồng và thu ngắn thời gian bứng cây và trồng cây ra địa điểm cần trồng. Phương pháp trồng cây tạo trong bầu sẵn chỉ áp dụng cho các loài cây có tiêu chuẩn cây con đem trồng nhỏ. Điều lưu ý là rễ cây không được quấn tròn trong bầu tạo sẵn, nên cắt tỉa rễ các cây này hay thay bầu để sửa hình dạng rễ lại.

1. Bứng cây

Trước khi bứng chọn cây đúng tiêu chuẩn về chất lượng, chiều cao và không bị sâu bệnh. Sau đó lựa chọn kích cỡ bầu phù hợp với cây cần bứng, điều này tùy thuộc vào tuổi cây, gióng cây. Bầu nhỏ tiện vận chuyển nhưng bộ rễ lại bị cắt quá nhiều, rễ cái bị cắt quá cao, cây khó sống hoặc lâu phục hồi. Bầu lớn dễ bể, phí tổn cho vận chuyển, bốc hạ cao. Vì vậy chọn kích thước bầu cần được cân nhắc kĩ. Tùy theo chiều cao và giống cây mà chọn kích thước bầu thích hợp.

 Cây cao trên 3 m:

 Đường kính bầu phía trên độ 0,3 – 0,4 m, phía dưới 0,2 –0,3 m, chiều cao bầu khoảng 0,4 – 0,5 m. Đối với những cây khó sống khi bứng bầu phải lớn hơn như long não, muồng vàng nhạt, ngọc lan…Trường hợp cần bứng bầu nhỏ có thể làm theo cách sau: Moi hết rễ càng nhiều rễ, càng dài càng tốt, nhất là rễ cái. Những rễ này được quấn lại xung quanh bầu để khỏi bị gãy hoặc bị sây sát trong lúc vận chuyển. Sau khi đào xong chưa vội nhắc bầu lên mặt đất mà phải dùng dây ràng buộc bầu theo kiểu mắt cáo để khỏi bể. Dùng dao tốt cắt những rễ bị giập.

Đối với những cây bứng rễ trần (không bầu) thì cần đào nhiều rễ ngang và rễ cái càng dài càng tốt, tốt nhất là đào được hết rễ cái. Cách đào tốt là cho nước ngập vườn hay hố cần đào cây, sau 4 – 6 ngày, đất ẩm, mềm sẽ dễ dàng đào cây lên. Lưu ý khi đào khỏi hố, rễ cây rất dễ bị khô, bong, se mặt ngoài do vậy nên nhúng rễ vào hỗn hợp gồm 3 phần bùn lỏng, một phần phân trâu, bò tươi.

Trước hoặc sau khi bứng, cần cắt bớt 50 – 70% tổng số lá của cây để hạn chế sự phát tán hơi nước.

Bứng xong, nếu chưa trồng ngay thì cần che đậy kĩ tránh nắng, gío làm lá héo nhanh. Bứng cây ngày nào nên trồng ngay ngày đó, không nên để qua ngày sau.

Khi vận chuyển cây bằng xe hơi hoặc xe bò cần lót dưới sàn xe một lớp chất xốp dày rơm hoặc cỏ khô, bảo đảm khi đi không làm bể bầu đất. Khi vận chuyển lên xuống không cầm cổ cây mà phải bưng từng bầu cây đặt lên xe hoặc xuống đất nhẹ nhàng.

Cây cao 4 – 5 m:

  Trồng cây xanh đô thị, nhất là cây trồng vỉa hè, trường học, nhà máy…thường bứng cây cao 4 – 5 m, vì vậy việc trồng sẽ gặp khó khăn, cần đảm bảo đúng kĩ thuật. Thông thường đường kính bầu ở cổ rễ là 0,7 – 0,8 m, đường kính đáy bầu là 0,5 – 0,6 m, chiều cao bầu 0,6 – 0,8 m, như vậy toàn bộ bầu và cây nặng tới 600 – 1000 kg hay hơn tùy loại cây vì vậy phải dùng xe cần cẩu hoặc palăng để bốc cây lên xe và trồng xuống hố. Ở đây do bầu khá lớn, dễ bị bể, vì vậy người ta thường đóng khung lắp ráp bằng sắt hoặc bằng gỗ để tiện bốc xếp, vận chuyển. Sau khi đặt cây xuống hố, tháo khung ra và đem sử dụng cho việc trồng cây khác.

Đối với một số cây khó trồng, tỷ lệ sống thấp

Sau khi trồng, thường mất một thời gian lâu cây mới hồi phục, vì thế trước khi bứng nên đào rãnh xung quanh gốc và bón phân một thời gian để cây phát triển những rễ mới. Phương pháp này gọi là “làm sẹo rễ”. Cách làm như sau:

Nếu cây cao khoảng 6 m đào hào lần đầu nửa vòng hay 1/3 quanh gốc cây, rộng 0,3 – 0,4 m, sâu 0,7 – 0,8 m. Hào cách gốc cây 0,5 – 0,6 m. Bón phân mục trộn với đất, lấp đầy hào, và tưới nước. Hai tuần sau đào nửa vòng còn lại, cũng bón phân, tưới nước như vây. Độ 10 – 15 ngày mới đào để bứng cây, trước khi bứng cắt bớt 50 – 60% tổng số lá của cây.

Đối với cây tương đối dễ trồng, chỉ cần đào một nửa và bón phân, sau 2 tuần là bứng cây đem trồng được.

Mục đích làm sẹo giúp những rễ bị chặt có thời gian hồi phục sức, sau khi trồng những rễ này có thể sớm phát huy chức năng hút dinh dưỡng cho cây.

2. Đào hố

 Đào hố đúng quy cách, đúng kĩ thuật, đúng vị trí, không những góp phần quyết định sức sống của cây, mà còn đề phòng phải bứng lên trồng lại.

 Khoảng cách trồng tuỳ thuộc nơi trồng như ở vỉa hè phải có khoảng cách cần thiết tới các công trình xây dựng, nhà ở, mặt đường…Trường hợp gặp các chướng ngại như cột điện chỗ ra vào nhà phải xê xích cho thích hợp. Kiểm tra kĩ trước khi đào hố. Kích thước hố tùy thuộc kích thước bầu đất. Khi đào lưu ý để lớp đất mặt một bên, lớp đất dưới một bên, khi trồng cho lớp đất mặt màu mỡ xuống trước sát rễ cây, lớp dưới ít màu mỡ cho lên trên. Nhặt sạch gạch, đá lẫn trong đất trồng. Ở các vỉa hè đường phố đào hố xong nên trồng ngay đề phòng tai nạn, hoặc nếu không trồng ngay nước có thể tập trung tới làm ngập hố trồng, sẽ mất công múc nước đi khi trồng. Khi đào lưu ý nếu gặp một dấu hiệu nghi ngờ như gặp một lớp cát hay mạng lưới sắt thì phải dừng lại để giải quyết vì thường đó là những báo hiệu có công trình ngầm, đề phòng nguy hiểm xảy ra.

3. Trồng cây

 Trồng là khâu quan trọng cần phải làm đúng kĩ thuật để đạt tỷ lệ sống cao, giúp cây hồi sức nhanh, phát triển tốt. Tùy địa điểm trồng cây cao hay thấp có thể bị ngập nước mà đặt bầu cây thích hợp.

Chỗ đất cao, đặt bầu thấp hơn mặt đất 10 – 20 cm để lấp đất dần trong quá trình chăm sóc.

Chỗ đất thấp thường đặt bầu cây ngang mặt đất, nhưng nếu tại đó có mực nước ngầm cao thì cần đặt bầu cây nổi lên khỏi mặt đất, mức độ nổi tùy thuộc mực nước ngầm cao hay thấp. Cách trồng này còn gọi cách trồng treo. Trồng như vậy sẽ giúp hệ rễ cây không bị ngâm trong nước gây vàng uá lá và chết. Tuy nhiên trồng treo có nhược điểm là cây không vững khi có gío bão. Vì vậy cần có các cọc chống đỡ cho cây Sau khi đặt cây xong phải kiểm tra lại xem thẳng hàng hay chưa mới lấp đất lên, nhất là khi trồng cây vỉa hè. Lấp đất cũng tuần tự, khi được nửa hố, dừng lại để nện chặt, tưới đẫm, sau đó thêm đất cho đầy nện chặt và tưới nước. Cách làm này giúp nước thấm đều khắp bầu cây. Lên bờ đất nhỏ để giữ nước trong thời gian đầu. Mỗi cây có khoảng 3 cọc để chống đỡ cho cây không bị xiêu vẹo.

Sau ngày trồng, tùy điều kiện hoặc thời tiết hàng ngày tưới nước, hoặc vài ngày tưới một lần trong 3 tháng đầu, 3 tháng tiếp số lần tưới trong tuần có thể giảm đi. Đồng thời với việc tưới nước cần xới đất, làm cỏ khoảng tháng một lần.

 Tuy nhiên hiện nay vấn đề dành không gian sinh trưởng cho rễ cây trồng trên các vỉa hè, tại các khu vực có bê tông hóa vẫn chưa được giải quyết tốt. Nhiều chỗ các phần không gian quanh gốc cây đã bê tông hóa hầu hết. Nhất là trong nhiều trường hợp người ta muốn trồng nhiều cây thành khóm trên một diện tích hẹp để tạo cảnh quan thì hầu như không còn chỗ cho rễ cây sinh trưởng.

 Theo Nina Bassuk, giám đốc Viện Làm vườn Đô thị tại ĐH Cornell (Mỹ) thì: ''Cách chúng ta trải nhựa và lát vỉa hè trái ngược với cách chúng ta muốn cây phát triển''. Bassuk và cộng sự đã tạo ra một hỗn hợp công nghệ cao gồm sỏi, chất gien và đất tơi, với hy vọng sẽ xóa nhòa sự mâu thuẫn giữa cây và mặt đường. Hỗn hợp trên, được gọi là đất cấu trúc, giải quyết được câu hỏi hắc búa của các nhà quy hoạch đô thị trong nhiều năm qua: Mặt đường cần loại đất cực rắn để chịu sức nặng của xe cộ. Tuy nhiên, rễ cây cần chỗ để thở và sinh trưởng. Hiện cây xanh đô thị thường được trồng trong một chiếc hố trên vỉa hè. Hố đủ lớn để cây non bén rễ vào trong đất song rễ trưởng thành chẳng có chỗ nào để phát triển. Sử dụng đất cấu trúc sẽ cung cấp cho các nhà quy hoạch đô thị một bề mặt rắn như đá để phủ nhựa đường song vẫn dành nhiều chỗ để rễ cây đang sinh trưởng vươn xa.

 Đất cấu trúc được tạo nên từ một loại sỏi có cạnh sắc, giống như băng bị nghiền nát. Khi bị nén, mặt đường rất cứng và đủ mạnh để máy bay đáp xuống. Tuy nhiên, có vô số không gian rộng giữa những viên sỏi dành cho đất tơi. Sử dụng một chất gen gắn kết đất tơi với sỏi trong tiến trình trộn, làm cho đất tơi lấp đầy các lỗ sỏi. Rễ sẽ đi theo những lỗ này để tỏa khắp mặt đất và có thể sinh trưởng mạnh. Hỗn hợp cứng và đặc này cho phép con người trải thảm nhựa hoặc bê tông bên trên nó.

Đất cấu trúc được sản xuất vào giữa những năm 1990, hiện nay nhiều nhà phát triển đô thị tại Mỹ, Canada và Puerto Rico đã sử dụng nó. Các hỗn hợp tương tự cũng được sử dụng tại châu Âu. Các nhà nghiên cứu cho rằng nên đặt đất cấu trúc tới độ sâu ít nhất là 1 m và cần 17 m3 cho một cây xanh.

Dịch vụ liên quan